TIẾN HÓA TÂM LINH

Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014

Thực và Mộng





Ngày xưa có nhiều chuyện về mộng :

Trang Tử một hôm nằm mộng thấy mình hoá bướm, bay lượn vui chơi khắp nơi cùng cây cỏ lá hoa. Khi tỉnh lại, ông rơi vào trạng thái phân vân, không biết Trang Tử nằm mộng hoá bướm hay bướm nằm mộng hoá Trang Tử.
Cũng chuyện ngày xưa, có chàng thư sinh, trên đường đi đến trường thi, mệt mỏi đói khát dừng chân nơi quán trọ. Trong khi chờ chủ quán nấu cho một bát chè kê, chàng nằm ngủ quên dưới gốc cây hoè . Chàng nằm mộng thấy mình thi đỗ trạng nguyên, được làm phò mã ,sống cuộc đời đầy vinh hoa phú quí. Một hôm vì nịnh thần dèm pha mà chàng bị truất hết tước vị, mang án lưu đày. Quá sợ hãi, chàng giật mình tỉnh mộng, thì nồi chè kê vẫn còn ...chưa chín .
Trong cả hai trường hợp, cả Trang Tử lẫn chàng thư sinh ngủ gục, khi từ cõi này bước sang cõi kia đều thấy 2 cõi đều thực như nhau. Người trong mộng thì không biết được mình đang trong mộng, đó là một đặc tính của mộng. Rất nhiều truyền thuyết về mộng, những giấc mộng linh thiêng tiên tri đúng chính xác về sự xuất hiện của những nhân vật quan trọng hay những biến cố trọng đại của lịch sử .Ngay trong sinh hoạt đời thường ,một người loại “nhạy cảm” cũng có thể có kinh nghiệm về những giấc mộng biết trước chuyện sắp xảy ra .Nhưng thực tế không phải luôn luôn giấc mộng cho những dự đoán đúng,ví du: Chuyện ngày xưa có Đỗ Thích đêm nằm mộng thấy sao rơi vào miệng ,cho rằng đó là điềm-triệu báo mình sẽ là vua ,nên nổi loạn để soán ngôi . Chuyện không thành ,bởi vì “sao rơi vào miệng” chỉ là biểu hiện của khát vọng cá nhân .Tản Đà gọi giấc mộng ban đêm là giấc mộng con, còn cuộc đời mình là giấc mộng lớn. Phân biệt giữa mộng và thực có khi không phải là chuyện dễ .

Mộng mị ,chiêm bao là hiện tượng xảy ra thường ngày vào mỗi đêm. Có nhũng giấc mộng dữ, có những giấc mộng lành, có khi có tính tiên tri, có khi có tính sáng tạo phát minh, tất cả đã để lại trong ta biết bao nhiêu là ấn tượng. Tuy nhiên hầu như rất ít người thât sự hiểu được nguồn gốc, đặc tính và bản chất của giấc mộng .Về mặt khoa học, người ta có thể tìm hiều giấc mộng qua tính chất điện học của não bộ . Điện não (electro-encephalo-gramme) có thể đo được dễ dàng như điện tim,và được biểu hiện dưới dạng các sóng điện não :

Sóng beta (20 chu-kì/giây) : khi đang căng thẳng, làm việc...
Sóng alpha(10-12chu-kì/giây) : khi thư giản, nghỉ ngơi...
Sóng theta( 4-6chu-kì/giây) : khi vừa ngủ, hoặc thiền định (meditation).
Sóng delta (2 chu-kì/giây) :khi ngủ sâu, hoặc vào định sâu.
Mộng là giấc ngủ R.E.M
Mỗi đêm giấc ngủ chia thành nhiều chu kì. Mỗi chu kì ngủ gồm 4 giai đoạn :

1. Giai đoạn 1: sóng não beta( 20chu kì/s) chuyển dần thành sóng alpha (10 chu kì/s )
2. Giai đoạn 2 : xuất hiện sóng não theta ( 4→6chu kì/s)
3. Giai đoạn 3 : sóng não delta (2chu kì/s) .
4. Giai đoạn 4 : sóng chậm hơn nữa .

Trong giai đoạn 2, khi xuất hiện sóng não theta, người ta thấy mắt có cử động nhanh, tương ứng với giai đoạn này là lúc ta đang nằm mơ ( và lúc này cũng có hiện tượng penil erection )




Mơ ( mộng,chiêm bao ) là giấc ngủ R.E.M (rapid eye movements )

Nếu định nghĩa rằng Thực là tất cả những gì hiện hữu trong giác quan của ta, thì không thể nói Mộng là ảo, là không thực , vì mộng là một hiện hữu có thật . Ví dụ tối qua, lúc 2 giờ sáng tôi nằm mộng, giấc mộng hiện hữu lúc 2giờ sáng, tôi thấy tôi đi giữa vườn hoa, gió rất nhẹ, hoa rất đỏ, hương rất nồng , và cỏ rất xanh, tôi bảo đảm điều đó đã thực sự xảy ra .

Có ai đã từng rơi vào loại giấc mộng giống như giấc mộng hoá bướm của Trang Tử thì mới hiểu tâm trạng thực sự hoang mang của Trang Tử lúc thức dậy. Không biết bướm hoá ra mình hay mình hoá ra bướm. Không biết mình từ mộng bước ra thực hay từ thực bước vào mộng. Một người bình thường thì chỉ có một giấc mộng bình thường. Trong giấc mộng bình thường, ta có cảm giác rất mơ hồ, ít khi rõ rệt, nội dung giấc mơ thường là non-logic, và thường là ta sẽ quên hết khi thức dậy .

Có một loại giấc mộng đặc biệt hơn, được nhiều người nghiên cứu từ thế kỉ trước như Denys (1867) ,Van Eeden (1900) nhắc đến gọi là :

Giấc mộng minh bạch-tỉnh táo (Lucid dream)





Trong giấc mộng này người ta biết rõ mình đang nằm mộng. Mọi cảm giác (xúc giác, thị giác, thính giác ,khứu giác ,vị giác ) đều rất rõ ràng .Màu sắc rực rỡ rất huy hoàng, âm thanh rất rõ, những mùi hương rất nồng nàn, đặc biệt những cảm giác xúc giác như cứng mềm, thô nháp hay mượt êm đều được cảm nhận giống hệt như trong đời sống thực. Mọi diễn tiến của giấc mộng minh bạch thường là logic. Logic loại này đôi khi rất kì lạ ,ví dụ :Tôi nằm mộng thấy mình đi lang thang trong một khu rừng, nhìn thấy nhiều loài hoa cỏ lạ, rồi bỗng nhiên một cây cổ thụ nghiêng dần đổ về phía tôi, tôi cố gắng chạy thoát ,nhưng không kịp nữa cái cây đã đổ xầm vào chân tôi. Đúng lúc đó, tôi giật mình, vì bức tranh treo trên tường phòng ngủ không hiểu vì sao rơi xuống chân tôi đau điếng. Tất cả thời gian tôi nằm mộng dường như là tiên tri, dường như là chuẩn bị cho sư rớt xuống của bức tranh mấy phút sau đó. Cùng có những giấc mộng minh bạch cho những tiên tri về nhũng hiện tượng xảy ra lâu hơn về sau , ở những địa điểm xa hơn đến không ngờ . Ở đây ta sẽ bắt đầu thấy năng lực sáng tạo kì lạ của giấc mộng minh bạch.

Vài giải thích về giấc mộng

Sigmund Freud (người khai sáng Psychanalyse) nghiên cứu rất nhiều về giấc mộng, xem giấc mộng như là biểu hiện duy nhất của tình dục (libido) bị ức chế .
Carl Gustave Jung có cái nhìn rộng hơn Freud , giấc mộng còn là thể hiện của vô thức tập thể (collective inconscience), của năng lực tâm lí vũ trụ (?)
Allen Hobson (Đại học Havard ) cho rằng mộng chỉ là ngẫu nhiên. Một bộ phận trong cuống não tình cờ phát ra những tia điện kích thích não, và não sắp xếp những dấu hiệu ấy thành một giấc mơ có khi là logic.
Crick và Mitchison cho rằng giấc mộng có mục đích làm quên đi những thông tin vô ích mà não đã tiếp nhận trong cuộc sống .
Sagan giải thích mộng là hoạt động của bán cầu não phải (right cerebral hemisphere ) lúc ngủ. Khi thức, ta sống và làm việc với bán cầu não trái, vì thế não phải luôn bị ức chế. Khi ngủ bán cầu não phải được giải phóng và tạo thành những giấc mơ .

Phật giáo cho rằng nội dung của giấc mộng cũng bị qui định của nghiệp (karma). Đạo Bon và Mật tông ở Tây tạng chú ý rất nhiều về cách luyện tập những giấc mộng tỉnh táo vì cho rằng đây là những trải nghiệm có thể đánh thức sự giác ngộ!
Có thể tạo ra những giấc mộng minh bạch (lucid dreaming)
Năm 1867 ,Hầu tước Hervey de Saint Denys đã xuất bản cuốn “Giấc mộng và làm thế nào để hướng dẫn chúng" . Trong sách có nói đến khả năng thức tỉnh trong giấc mộng và khả năng điều khiển giấc mộng của tác giả .
Steven Laberge dùng những chuyển động nhanh của mắt để tạo ra phương pháp tập luyện giấc mộng minh bạch. Những người tham gia nghiên cứu được nghe một băng thu âm liên tục nhắc nhở : “ Đây là một giấc mộng... “ mỗi khi họ đi vào giấc mộng (giấc mộng được nhận biết bằng cách theo dõi chuyển động của mắt) . Khi người tập đã có khả năng tỉnh táo trong giấc mộng, họ sẽ dùng một chuyển động của mắt mình để báo cho người ngoài cuộc biết. Kết quả khoảng 20% người tập luyện có khả năng thực hiện những giấc mộng minh bạch. Về sau Laberge chế tạo một máy đeo trên mặt, máy này nhận biết được những chuyển động nhanh của mắt lúc đi vào giấc mộng và phát ra ánh sáng tín hiệu khiến người đang mộng có khả năng nhận biết được mình đang mộng .

Phật giáo quan niệm tất cả mọi hiện hữu đều như mộng (Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh - Kinh Kim Cang của PG đại thừa). Đối với giấc mộng minh bạch, nghĩa là lúc người nằm mộng có tỉnh giác, thì mọi hành động đều có thiện–ác, có tác nghiệp ( kinh Đại trí độ , phẩm mộng hành , mộng thệ - PG đại thừa). Vì thế có thể coi Mộng như Thực, có thể tu hành trong mộng, có thể hành thiện, bố thí, thuyết giảng, học hỏi trong mộng. Đạo BON và MẬT TÔNG là những pháp môn chú ý đến tỉnh giác của giấc mộng. Muốn tạo ra những giấc mộng minh bạch, người đệ tử phải tập thiền định hoặc thiền quán để tạo ra tỉnh giác. Mật Tông có một kỹ thuật đặc biệt để tạo ra những giấc mộng : tập trung sức định và quán vào luân-xa ở cổ họng .

Mật nghĩa của giấc mộng

Theo Mật Tông PG, mộng trong lúc ngủ là Bardo.
Dưới con mắt triết học của Mật tông Tây tạng, giấc mộng là một Bardo ( nghĩa đen là giai đoạn trung gian ) theo triết học phật giáo sự sống là một liên tục vĩnh hằng của tâm. Tâm thức của con người gồm 6 bardo :

Bardo 1 : tâm bình thường của con người lúc thức
Bardo 2 : tâm của con người trong lúc ngủ
Bardo 3 : tâm trong thiền định
Bardo 4 : tâm trong lúc ... đang chết
Bardo 5 : tâm ...sau khi chết (sau bardo 4 )
Bardo 6 : tâm lúc... định hướng tái sanh (sau bardo 5)

Mộng minh bạch là tam muội
Trong giấc mộng minh bạch, người nằm mộng biết mình đang mộng, sự biết rõ ràng đó gọi là tỉnh giác (rigpa). Người nằm mộng có thể chủ động sáng tạo nội dung giấc mộng. Người nằm mộng đi vào một cảnh giới có ánh sáng tự nhiên, Mật tông gọi giấc mộng minh bạch, tỉnh táo là mộng ảo tam muội. Tam muội (samadhi) hiểu theo Phật giáo đại thừa và mật tông là những trạng thái tâm khi thực hành thiền.

- Mộng ảo tam muội
Là một trong 6 pháp tam muội của Naropa, một guru mật tông nổi tiếng. Khi một người đạt được một mức độ thiền quán nào đó sẽ thực hiện được mộng ảo tam muội, sẽ đi vào vô số cảnh giới lạ lùng (strange worlds), sẽ có thể gặp những thiên nhân (ví dụ những dakini ...) , những vị thày trong cảnh giới mộng, và có thể nhận được những giáo huấn cao siêu trong cảnh giới này .

- Huyễn thân tam muội
Khi đạt được mộng ảo tam muội thuần thục ,nghĩa là cảm nhận thế giới mộng rõ ràng như thực , người mộng tiến lên một bước ,tập quán mình có thân thể trong mộng hiện-hữu rõ ràng như trong thế giới thực ,có đầy đủ mặt mũi chân tay , cảm thụ xúc giác rõ ràng .Sự hình thành một thân-thể (body) trong cảnh giới mộng lúc này gọi là huyễn thân tam muội (virtual body samadhi).

Giấc Mộng có thể dùng để khai sáng
Trong cuộc sống rất nhiều người bất ngờ rơi vào giấc mộng minh bạch ( mơ mà vẫn biết mình mơ, với những cảm giác rõ ràng ), nhưng rất ít người hiểu được bản chất của loại giấc mơ ấy, cũng không có khả năng chủ động tạo ra và tái hiện giấc mơ. Mười tám ngàn năm trước, đạo Bon ở vùng Tây Iran, và sau này Mật tông Tây tạng đã biết sử dụng giấc mộng làm phương tiện tu tập nhằm cứu cánh giải thoát. Khi thức( ngoài mộng ) ta có một thân thể cùng một trí óc tỉnh thức, rồi khi đi vào trong mộng ta cũng có một thân xác hành xử với một trí óc tỉnh thức. Cuối cùng sự so sánh giữa mộng và thực sẽ đưa đến cơ hội để nhận ra thế giới với toàn thế tính chân thực của nó .

BS Phạm Doãn - 1995