TIẾN HÓA TÂM LINH

Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2014

Trải Nghiệm Chánh Niệm



Rất khó để có thể hình dung trải nghiệm Chánh Niệm là gì? Và sống trong Chánh Niệm là gì? Nếu thiền sinh không được ai đó trình bày trực tiếp trải nghiệm thực sự về Chánh Niệm. Thường các học viên chỉ được vị thày lập đi lập lại rằng Chánh Niệm là “Đừng nghĩ quá khứ, đừng nghĩ tương lai!” là ““Quá khứ, không mong cầu. tương lai không ước vọng!”, chánh niệm là “sống ngay trong hiện tại”, “sống với “thực tại hiện tiền” hoặc “đi đứng nằm ngồi cũng là Chánh Niệm” v.v và v.v…
Tôi nghĩ rằng các cách diễn đạt như vậy là mơ hồ. Thay vào đó các vị thày nên mô tả trực tiếp trải nghiệm thực sự của chính mình về Chánh Niệm!

Niệm là nhận biết, là ghi nhớ các đối tượng của tâm. Đây cũng là trạng thái tập trung của tâm nhưng nhẹ nhàng hơn so với Định là trạng thái tập trung rất mạnh trên một đối tượng “duy nhất” của tâm.
Thực hành Chánh Niệm có thể là:

quan sát nhận biết hơi thở vào ra (quán hơi thở)

hoặc là quan sát cảm giác của từng bộ phận hoặc toàn cơ thể

hoặc là quan sát toàn bộ thân thể, hoặc là toàn bộ các tư thế cơ thể…(quán thân trên thân)

hoặc là quán sự xuất hiện và vận hành và thay đổi của tâm (quán tâm)

hoặc là quán sát các đối tượng của tâm (quán pháp)

Tùy theo mỗi người mà có thể thực hành niệm xứ này nhiều niệm ứ kia ít hoặc ngược lại

Nhưng khi sự thực hành đã thành công thì sự nhận biết của tâm (trên bốn niệm xứ) trở nên mạnh mẽ và rõ ràng.

a. Tâm tự động bám sát (không rời) vào thân, thọ, tâm hoặc pháp pháp. Lúc này tâm nhận biết các đối tượng (thân, thọ, tâm, pháp) rất rõ ràng, không còn mơ hồ như trạng thái tâm trước đây.

b. Chính vì tâm nhận biết mạnh mẽ, minh bạch khiến nó trở thành chủ nhân thực sự của hơi thể, thân thể, cảm giác, và của các đối tượng khác.

Tâm có thể tự mình tách rời và nhìn “bốn lãnh vực” (thân, thọ, tâm, pháp) như những đối tượng ở ngoài nó!

Mỗi động tác, ý tưởng đều được phát hiện và nhận biết ngay khi nó xuất hiện. Ta có cảm giác đi đứng, nằm, ngồi, tư duy đều ở trong vòng kiểm soát của Chánh Niệm, tức một cái tôi có vẻ như tách rời và có khả năng kiểm soát mọi thứ!

c. Cái Tôi “chủ thể”có cảm giác rằng cái tôi “cơ thể” như một người nào khác, hoặc thậm chí là một người “xa lạ”. Đây là hiện tượng mà một số nhà tâm lý gọi là “hiện tượng phân ly” (disociation). Một người, khi thành công chánh niệm, đều có những trải nghiệm giống nhau về cơ bản. Phần khác biệt là do lúc thực hành nghiêng về quán thân hay quan tâm nhiều hơn. Vì vậy đôi khi có sự mô tả hơi khác nhau. Trong kinh Nikaya có lẽ đoạn sau đây dùng để mô tả sự tách biệt của cái tôi “chủ thể” và cái tôi “không phải là chủ thể”:

“Ví như, này các Tỷ-kheo, một người quán sát một người khác, người đứng quán sát người ngồi, hay người ngồi quán sát người nằm …”

(kinh Tăng Chi, chương 5 pháp, phần Định, (VIII) (28) Năm Chi Phần)

Link: http://www.budsas.org/uni/u-kinh-tangchibo/tangchi05-0106.htm

Đoạn kinh trên mô tả một phần trải nghiệm của một vị có Định, tuy nhiên ngay khi có Chánh Niệm, ta có thể đã tiếp cận loại trải nghiệm này!

Cái ý thức “chủ thể” giờ có thể rời xa khỏi cơ thể phàm phu. Nó đứng ngoài và quan sát cái tôi vốn quen thuộc xưa nay như quan sát một người khác!

Ý thức chủ thể không nằm ở đâu cả. Nó có vẻ như ở bên trên trên …như một người đứng quan sát người ngồi, như người ngồi quan sát người nằm. Bất cứ động tác thân thể hay ý tưởng nào vừa chớm xuất hiện đều được nó nhận biết và nó có thể tác ý bắt ngưng hay cho phép động tác đó, ý tưởng đó tiếp tục xảy ra hay phải chấm dứt!

d. Như vậy, khi thành công trong Chánh Niệm là ta đã có thể kiểm doát con người bản năng một cách dễ dàng hơn xưa! Tức sự gìn giữ giới trở nên dễ dàng nhờ chủ động!

Với Chánh Niệm, nếu ta nhìn xuống mặt đồng hồ thì có vẻ như kim đồng hồ không quay. Có lẽ sự nhận biết tách bạch và mạnh mẽ và tinh tế đã kéo dài thời gian. Chưa nói đến thiền định, chỉ chánh niệm thôi cũng đã làm thời gian thay đổi. Những vị có năng lực Thiền Định có thể “nhìn thấy” từng sát na tâm là vì thời gian giữa hai tâm bây giờ quá dài để cho sự nhận biết có thể chen vào giữa!

Nói chung, Chánh Niệm là trải nghiệm tâm linh đầu tiên khiến cho con người có một nhận thức khác biệt về đời sống!. Người ngoài Đạo Phật như Krisnamurti, Echkhart Tolle v.v…thường gọi trạng thái đó là giác ngộ  Thực sự thì trải nghiệm thiền của Đạo Phật còn rộng lớn và sâu xa hơn nhiều.

Nguồn: 
Thực Hành và Trải Nghiệm Chánh Niệm (sati)
http://bsphamdoan.wordpress.com/2014/10/09/thuc-hanh-va-trai-nghiem-chanh-niem-sati/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét